Hậu quả và ý nghĩa Chiến_dịch_chống_Đổng_Trác

Đổng Trác tuy không bị tiêu diệt, nhưng thế lực suy yếu, phải co về phía tây, tận dụng sự rối loạn ở phía đông để một mình tiếp tục thao túng triều đình Trường An, ép Hán Hiến Đế phong mình từ Tướng quốc lên làm Thái sư. Bản thân Đổng Trác tự liệu không thể ngay lập tức thay đổi thời cuộc, nên thực hiện kế hoạch phòng thủ lâu dài. Tại huyện My ở phía tây Trường An, ông cho xây một bảo đá rất lớn, chu vi 200 trượng, tường cao 7 trượng[27], dày 7 thước[28], chứa thóc đủ dùng trong 30 năm, cất giấu 2-3 vạn cân vàng, 8-9 vạn cân bạc, lụa là gấm vóc chất như núi[29].

Ban đầu, khẩu hiệu của Viên Thiệu và các đồng minh là đánh Đổng Trác giúp nhà Hán, nhưng khi Đổng Trác đã thua trận bỏ chạy thì chiến dịch chống Đổng Trác bị bỏ dở. Phần lớn chư hầu bắt đầu lộ dã tâm tranh hùng thiên hạ, mà việc "cứu nhà Hán" chỉ là cớ khởi binh. Từ đó chiến tranh giữa các chư hầu Sơn Đông diễn ra ác liệt kéo dài nhiều năm trên diện rộng với sự tham gia thêm của các chư hầu khác không tham gia cuộc chiến này. Bản thân Đổng Trác 1 năm sau cũng bị tiêu diệt, nhưng không bởi lực lượng chư hầu nào mà do những người chống đối ngay tại Trường An. Không lâu sau, triều đình Trường An và phần phía tây Tư Lệ Bộ trở lại dưới quyền kiểm soát của các bộ tướng của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ.

Cuộc chiến chống Đổng Trác không trừ được Đổng Trác mà chỉ làm yếu thế lực của ông, đồng thời lại mở ra một cuộc chiến mới với quy mô lớn hơn.